Bại liệt là một căn bệnh nguy hiểm bởi sự lây lan nhanh chóng và để lại nhiều biến chứng. Hãy tìm hiểu những thông tin cơ bản về vắc xin bại liệt trong bài viết dưới đây nhé.
Tóm tắt nội dung
Bệnh bại liệt là gì?
Bệnh bại liệt là một bệnh truyền nhiễm do poliovirus tấn công hệ thần kinh. Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có khả năng nhiễm virus này cao hơn các nhóm khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 1 trong 200 ca nhiễm virus bại liệt sẽ dẫn đến tê liệt vĩnh viễn. Ước tính có đến 95 – 99% người mắc bệnh bại liệt không có triệu chứng (bại liệt cận lâm sàng). Tuy nhiên, ngay cả khi không có triệu chứng, những người nhiễm virus này vẫn có thể lây lan và gây nhiễm trùng cho người khác.
Bệnh thường lây truyền bằng đường phân – miệng. Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh là tiêm vắc xin bại liệt. Trẻ em cần được tiêm phòng bại liệt theo lịch tiêm chủng do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh khuyến cáo.
Những trường hợp cần tiêm vắc xin phòng bại liệt bao gồm:
- Trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên.
- Những người đang sống ở khu vực đang có dịch bại liệt.
- Những người trước đây chưa được tiêm vắc xin bại liệt.
- Những người làm công việc chăm sóc trẻ em ở các nhà trẻ, trại trẻ mồ côi; nhân viên y tế chăm sóc nhiều đối tượng bệnh nhân; hoặc làm việc trong phòng xét nghiệm phải tiếp xúc với nhiều mẫu bệnh phẩm, trong đó có thể chứa virus bại liệt.
Những điều cần biết về vắc xin bại liệt IPV
Vì sao cần tiêm vắc xin phòng bại liệt?
Bại liệt là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên khi virus bại liệt xâm nhập vào cơ thể và tấn công hệ thần kinh trung ương của người bệnh. Virus bại liệt có ba týp là týp 1, týp 2 và týp 3. Cả ba týp này đều có khả năng gây bệnh, trong đó týp 1 phổ biến nhất và là nguyên nhân của hơn 90% các trường hợp bệnh bại liệt. Hệ quả của bệnh này là có thể gây liệt nửa người, liệt các chi, trường hợp nặng hơn có thể làm liệt các cơ hô hấp, gây suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Virus bại liệt khi vào cơ thể sẽ nhân lên ở đường tiêu hóa và thải ra ngoài qua phân. Virus bại liệt có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và rất dễ lây. Nguồn chất thải này sẽ làm ô nhiễm nước uống, thức ăn và từ đó lây bệnh cho người khác qua đường ăn uống. Do đó, trước đây khi chưa có vắc xin phòng bệnh, virus này đã gây ra các dịch bệnh lớn ở khắp nơi trên thế giới.
Với sự thành công của chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã phòng bệnh bại liệt thành công từ năm 2000. Tuy nhiên, loại bệnh này vẫn chưa được kiểm soát tuyệt đối trên quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó, với tình hình thông thương giữa các nước thuận tiện như hiện nay, bệnh bại liệt có thể quay trở lại bất cứ lúc nào nên chúng ta phải luôn luôn chủ động phòng chống bệnh.
Đến nay, căn bệnh này vẫn chưa có thuốc chữa đặc hiệu, mà chỉ có các phương pháp điều trị nhằm giảm bớt triệu chứng bệnh. Sử dụng vắc xin bại liệt là biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả nhất. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới sử dụng vắc xin bại liệt dạng tiêm hoàn toàn an toàn và giúp củng cố miễn dịch phòng chống bệnh bại liệt.
Các loại vắc xin phòng bệnh bại liệt hiện nay
Để tích cực phòng bệnh và ngăn chặn nguy cơ bệnh bại liệt quay trở lại bất cứ lúc nào, ngoài việc triển khai công tác tiêm phòng bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi bằng vắc xin đơn, thì các vắc xin phối hợp cũng được nhà sản xuất tích hợp thành phần ngừa bệnh. Vắc xin này giúp trẻ phòng bại liệt hiệu quả song song với việc tạo miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Hiện nay, có 3 loại vắc xin phòng bệnh bại liệt:
– Vắc xin bại liệt đường uống OPV: Đây là vắc xin sống giảm độc lực dạng uống chứa virus bại liệt sống đã làm suy yếu và có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch.Từ đó giúp cho cơ thể phòng vệ không cho virus xâm nhập. Vắc xin bại liệt dạng uống này nằm Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ uống khi 2, 3 và 4 tháng tuổi.
– Vắc xin bại liệt đường tiêm IPV: Đây là vắc xin bất hoạt dạng tiêm chứa virus bại liệt chết (sau khi xử lý) có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch phòng bệnh. Từ năm 2018, tiêm vacxin bại liệt IPV đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ 5 tháng tuổi trên toàn quốc.
– Vắc xin phòng bệnh bại liệt phối hợp: Tại các điểm tiêm phòng dịch vụ, các loại vắc xin phối hợp có thành phần ngừa bại liệt bao gồm:
- Vắc xin 5in1 Pentaxim (Pháp) có thể ngừa được 5 bệnh bao gồm bại liệt, ho gà, bạch hầu, uốn ván và các bệnh gây do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B (Hib).
- Vắc xin 6in1 Infanrix Hexa (Bỉ) và 6in1 Hexaxim (Pháp) có khả năng ngừa được 6 bệnh bao gồm bại liệt, ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B và các bệnh gây do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra.
- Vắc xin Tetraxim (Pháp) ngừa được 4 bệnh bại liệt, ho gà, bạch hầu, uốn ván.
Những điều cần biết về vắc xin bại liệt IPV
Vắc xin bại liệt IPV là gì?
Vắc xin bại liệt IPV là loại vắc-xin đầu tiên được nghiên cứu và sản xuất bởi nhà khoa học Albert Salk. Loại vắc xin này được chế tạo bằng cách sử dụng virus phát triển trên tế bào thận khỉ và bất hoạt với dung dịch formaldehyde.
Năm 1954, vắc xin bại liệt IPV được thử nghiệm trong một chương trình thử nghiệm kiểm soát giả dược với sự thu nhận của 1,6 triệu trẻ em ở Phần Lan, Canada và Hoa Kỳ. Vào tháng 4/1955, vắc xin của Salk đã được chấp nhận sử dụng tại Hoa Kỳ. Từ đó, tỷ lệ mắc bệnh bại liệt ở nước này đã giảm từ 13,9/100 000 trường hợp vào năm 1954 xuống còn 0,8/100 000 trường hợp vào năm 1961.
Tuy nhiên, vắc xin bại liệt IPV ở thời điểm đó còn có nhược điểm đó là giảm độ chuẩn của kháng thể lưu hành trong một vài năm tiêm chủng; sự lưu hành của poliovirus hoang dã và cần một số lượng lớn khỉ để sản xuất liều vắc xin bất hoạt. Các chủng được sử dụng trong vắc xin là Mahoney (loại 1), MEF-I (loại 2) và Sau Kett (loại 3). Ngay sau khi được cấp phép vắc xin, Albert Salk đã gặp thất bại trong việc vô hiệu hóa virus vắc xin tại phòng thí nghiệm Cutter Berkeley. Đã có 260 trường hợp mắc bệnh bại liệt với poliovirus loại 1 và 10 trường hợp tử vong.
Do đó, để khắc phục thất bại này, vào năm 1980 nồng độ và tinh chế kháng nguyên bại liệt được đưa vào sản xuất vắc xin bại liệt IPV và khả năng miễn dịch của vắc xin đã được tăng lên. Ban đầu, vắc xin này chứa các đơn vị kháng nguyên 20, 2 và 4D của poliovirus loại 1, 2, 3. Bằng việc sử dụng kỹ thuật nuôi cấy mới với các tế bào trên hạt microcarrier trong huyền phù ở bể thép không gỉ lớn, một loại IPV mạnh hơn chứa các đơn vị kháng nguyên 40, 8 và 32D loại 1,2,3 đã được sản xuất.
Qua các thử nghiệm cho vắc xin bại liệt IPV này cho thấy, mức độ ổn định huyết thanh cao hơn 90% so với cả 3 loại poliovirus sau một liều tiêm và 100% sau hai liều tiêm. Theo đó, để loại bỏ nguy cơ tê liệt trong số những người nhận vắc xin đường uống OPV, lịch tiêm chủng tuần tự IPV/OPV đã được sử dụng trên thế giới.
Tổng hợp