Ngành Điều dưỡng ở nước ta bắt đầu hình thành và phát triển ra sao? Hãy cùng tìm hiểu về lịch sử ngành Điều dưỡng Việt Nam trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
1. Sơ lược lịch sử ngành Điều dưỡng Việt Nam
Có thể nói, những người đặt nền móng cho ngành Điều dưỡng y học cổ truyền Việt Nam là hai danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông. Vào cuối thế kỷ XVII, linh mục Vachet người Pháp và linh mục Coffler người Bồ Đào Nha đã đưa ngành Điều dưỡng phương Tây du nhập vào nước ta. Họ xây dựng tu viện, chữa bệnh cho các tín đồ, người nghèo và trẻ mồ côi với tinh thần nhân đạo không đòi hỏi thù lao.
Đến những năm cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp cho xây dựng nhiều bệnh viện tại Việt Nam. Năm 1901, lớp đào tạo về điều dưỡng điều trị bệnh phong và bệnh tâm thần đầu tiên được mở tại bệnh viện Chợ quán. Sau đó, nhiều lớp học điều dưỡng được mở ra tại các bệnh viện với chương trình đào tạo còn khá sơ khai.
Những năm 50, khi hàng loạt chiến dịch chống thực dân Pháp của nhân dân ta nổ ra khiến nhu cầu chăm sóc thương bệnh binh tăng mạnh. Vì vậy mà các lớp đào tạo điều dưỡng viên, y tá liên tục mở ra. Trong hoàn cảnh thiếu thốn của cách mạng, các điều dưỡng viên, y tá đã chăm sóc, điều trị giúp các chiến sĩ mau lành vết thương và đẩy lùi một số dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, trên khắp cả nước ta đều mở các trường lớp đào tạo điều dưỡng để phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Sau khi kết thúc chiến tranh, Bộ trưởng Bộ Y tế thống nhất chỉ đạo công tác điều dưỡng tại 2 miền. Đến năm 1985, Bộ Y tế mở các trường đại học đào tạo ngành Điều dưỡng chuyên nghiệp tại Việt Nam. Từ đây đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong công tác đào tạo điều dưỡng ở nước ta, coi ngành Điều dưỡng là một ngành độc lập, riêng biệt trong hệ thống y tế.
Tìm hiểu về lịch sử ngành Điều dưỡng
Năm 1990, Bộ Y tế ra quyết định thành lập phòng Điều dưỡng tại các bệnh viện có trên 150 giường bệnh. Sau đó, vào ngày 26/10/1990, Chính phủ thông qua quyết định thành lập Hội Y tá – Điều dưỡng Việt Nam. Từ đó, ngày 26/10 được chọn làm Ngày điều dưỡng Việt Nam. Tại đại hội lần thứ nhất diễn ra tại hội trường Ba Đình, Hội Y tá – Điều dưỡng Việt Nam bầu ra Ban chấp hành với nhiệm kì 03 năm gồm 31 ủy viên. Cụ thể, bà Vi Thị Nguyệt Hồ được bầu làm Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam đầu tiên, cùng với 3 phó chủ tịch khác là bà Trịnh Thị Loan, bà Nguyễn Thị Niên và ông Nguyễn Hoa.
Năm 1992, Phòng Y tá được thành lập thuộc Vụ Điều trị Bộ Y tế với nhiệm vụ phát triển công tác điều dưỡng trên cả nước thời đó. Ngày 13/8/1997, Nhà nước đồng ý đổi tên Hội Y tá – Điều dưỡng thành Hội Điều dưỡng và cho đến nay, hội đã có 800 chi hội và hơn 80.000 hội viên.
Sự ra đời và các hoạt động của Hội Điều dưỡng đã góp phần thúc đẩy ngành Điều dưỡng phát triển, động viên điều dưỡng thêm yêu nghề nghiệp và lan tỏa công tác chăm sóc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Qua các thời kỳ phát triển, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã từng bước phát triển và khẳng định tầm quan trọng của mình đối với hệ thống y tế của một quốc gia.
Tại các trường đại học, cao đẳng y dược hàng năm vẫn tiến hành tuyển sinh ngành Điều dưỡng với mục đích cung cấp những nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được những yêu cầu công việc đặt ta. Theo thống kê cho thấy các trường xét tuyển cao đẳng Điều dưỡng được khá nhiều thí sinh lựa chọn, bởi hình thức xét tuyển đầu vào không áp lực như những năm trước. Bên cạnh đó, trong thời gian đào tạo 3 năm, sinh viên sẽ được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng liên quan đến chuyên ngành. Đồng thời, được rèn luyện thêm những tố chất cần có khi theo học ngành Điều dưỡng.
2. Biểu tượng ngành Điều dưỡng thế giới
Biểu tượng chung của ngành Điều dưỡng thế giới chính là cây đèn. Hình ảnh cây đèn màu đen với một ngọn lửa được thắp lên ở đầu đèn tượng trưng cho sự chăm sóc của những người điều dưỡng mang đến cho các bệnh nhân. Bên cạnh đó, cây đèn cũng tượng trưng cho sự cống hiến thầm lặng của những người làm trong ngành Điều dưỡng. Ý nghĩa của biểu tượng này xuất phát từ câu chuyện về bà Florence Nightingale – người đầu tiên sáng lập ra ngành Điều dưỡng hiện đại.
Tìm hiểu về lịch sử ngành Điều dưỡng
Bà bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một y tá trong Chiến tranh Crimea những năm 1850. Năm 1860, bà Florence đã mở ra trường y tá đầu tiên ở Luân Đôn có tên là Florence Nightingale Nurses. Đây là nơi đã đặt nền tảng cho hệ thống đào tạo điều dưỡng ở Anh cũng như ở nhiều nước trên toàn thế giới, tạo điều kiện cho ngành điều dưỡng phát triển vượt bậc. Do đó, lịch sử ngành Điều dưỡng thế giới đã ghi nhận công lao của bà Florence Nightingale và lấy ngày sinh của bà 12/5 làm ngày Điều dưỡng Quốc tế.
Câu chuyện “Người phụ nữ với cây đèn” của bà Florence cũng được lấy làm nguồn gốc của biểu tượng ngành. Trong suốt những năm tháng làm việc, bà luôn làm việc hết mình, tận tâm chăm sóc các bệnh nhân không quản ngày đêm. Khi các bác sĩ đã về nghỉ, khi bóng đêm phủ lên các hành lang, bà Florence vẫn cần mẫn làm công việc chăm sóc người bệnh, giúp họ vượt qua nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Hình ảnh bà cầm cây đèn leo lét trên tay, lặng lẽ đi săn sóc bệnh nhân một mình không chỉ khiến các bệnh nhân ấm lòng mà còn khiến tất cả mọi người cảm phục. Hình ảnh này đã trở thành một biểu tượng bất diệt trong các hình ảnh cũng như những bài thơ về bà Florence Nightingale.
3. Biểu tượng của ngành Điều dưỡng Việt Nam
Tìm hiểu về lịch sử ngành Điều dưỡng
Biểu tượng ngành Điều dưỡng Việt Nam là hình ảnh đôi bàn tay nâng đỡ chữ thập đỏ với cây đèn cùng 2 bông lúa bao bọc phía ngoài. Trên nền trắng nổi bật là hình ảnh chữ thập đỏ – tượng trưng cho ngành y tế nói chung. Giữa chữ thập đỏ là cây đèn, biểu tượng của ngành điều dưỡng thế giới. Hình ảnh này không chỉ thể hiện điều dưỡng là một bộ phận của hệ thống y tế mà còn gợi nhắc đến bà Florence Nightingale – “mẹ đẻ” của ngành Điều dưỡng thế giới.
Hình ảnh bàn tay nâng lấy chữ thập đỏ, cây đèn nhằm để hiện được bàn tay của những người làm trong ngành Điều dưỡng phải biết trân trọng công việc và đề cao được nhiệm vụ hiện tại của bản thân. Đặc biệt, hai bông lúa trong biểu tượng cũng thể hiện được hình ảnh của đất nước Việt Nam. Biểu tượng này đã cho thấy được những ý nghĩa quan trọng của ngành Điều dưỡng đối với sự phát triển nền y tế của đất nước.
Tổng hợp