Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Vậy cách điều trị viêm não Nhật Bản như thế nào? Hãy tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé.
Tóm tắt nội dung
Bệnh viêm não Nhật Bản là gì?
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở người bệnh. Bệnh do virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B họ Togaviridae, giống Flavivirus gây ra. Tất cả đối tượng ở mọi độ tuổi đều có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản, nhưng chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Đặc biệt, nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này là trẻ em từ 2 – 6 tuổi.
Nguồn lây bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu là các loài gia súc như lợn, trâu, bò, ngựa và các loài chim hoang dã. Trung gian truyền bệnh chủ yếu là 2 loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui, có màu nâu, hoạt động mạnh vào lúc chập tối và thường sống ở khu vực ao hồ, cánh đồng. Muỗi sau khi hút máu từ các động vật bị bệnh sẽ truyền sang người thông qua vết muỗi đốt.
Tìm hiểu các phương pháp điều trị viêm não Nhật Bản
Biểu hiện và triệu chứng bệnh viêm não Nhật Bản
Giai đoạn ủ bệnh
Bệnh viêm não Nhật Bản có thời gian ủ bệnh từ 5 – 14 ngày và trung bình là khoảng 1 tuần. Trong giai đoạn ủ bệnh, người bệnh chưa xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Giai đoạn khởi phát
Sau thời gian ủ bệnh, virus viêm não Nhật Bản sẽ vượt qua hàng rào mạch máu não và gây phù não. Ở giai đoạn này, bệnh sẽ khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao liên tục từ 39 – 40 độ C. Không chỉ vậy, bệnh nhân còn có thể xuất hiện các triệu chứng khác như đau bụng, đau đầu, buồn nôn và nôn.
Trong 1 – 2 ngày đầu, người bệnh có thể gặp các hiện tượng như cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu và mất ý thức hay phản xạ gân xương tăng. Ngoài ra, ở một số trẻ em có thể có triệu chứng viêm não Nhật Bản là đi lỏng, đau bụng, nôn giống như ngộ độc ăn uống.
Giai đoạn toàn phát
Từ ngày thứ 3 – 4 đến ngày 6 – 7, người bệnh sẽ tiến vào giai đoạn toàn phát. Đây là giai đoạn xuất hiện các triệu chứng rất nguy hiểm của bệnh viêm não Nhật Bản. Triệu chứng nổi bật trong giai đoạn này là tổn thương não và thần kinh khu trú. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong của người mắc bệnh ở giai đoạn này rất cao nếu không được điều trị kịp thời, nhất là đối với trẻ em.
Sang ngày thứ 3 – 4 của bệnh, các triệu chứng của bệnh viêm não Nhật Bản sẽ không giảm mà còn nặng hơn. Bệnh nhân sẽ bị mê sảng rồi dần rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Bên cạnh đó, các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên. Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ vã nhiều mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tăng, da lúc đỏ lúc tái và rối loạn nhịp thở. Ở một số người bệnh còn có trạng thái định hình và giữ nguyên tư thế. Ngoài ra, người bệnh có hiện tượng ảo giác, giật rung các cơ mặt và chi, tăng trương lực cơ khiến bệnh nhân nằm co quắp.
Giai đoạn lui bệnh
Sang tuần thứ hai, nhiệt độ cơ thể người bệnh bắt đầu giảm dần và hết sốt vào ngày thứ 10 nếu không có tình trạng bội nhiễm. Trong giai đoạn này, những hội chứng về não cũng như tình trạng rối loạn thần kinh sẽ được cải thiện hơn nhiều nếu như có sự điều trị kịp thời và đúng cách.
Tuy nhiên, sau quá trình điều trị, người mắc bệnh viêm não Nhật Bản có thể sẽ phải đối mặt với một số di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bệnh này để lại các di chứng về thần kinh như liệt chi hoặc các dây thần kinh.
Tìm hiểu các phương pháp điều trị viêm não Nhật Bản
Phương pháp điều trị viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Khi bị loại virus này xâm nhập và tấn công, người bệnh sẽ bị tổn thương nghiêm trọng đến hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh viêm não Nhật Bản sẽ giúp ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra và làm giảm tỷ lệ tử vong.
Hiện nay, trên thế giới chưa có phương pháp điều trị viêm não Nhật Bản đặc hiệu. Bên cạnh đó, tiêm vắc xin là phương pháp phòng bệnh này hiệu quả nhất.
Cách điều trị bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu là điều trị triệu chứng, phối hợp điều trị hỗ trợ và nâng cao thể trạng cho người bệnh. Có thể áp dụng theo các triệu chứng như sau:
– Hạ sốt: Để người bệnh hạ sốt nhanh chóng cần phải cởi bớt quần áo và chườm đá vào những vùng như cổ, nách hay bẹn… Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc hạ sốt.
– Chống co giật: Bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc Seduxen bằng kỹ thuật Sonde hoặc tiêm vào tĩnh mạch hay bắp thịt để chống co giật hiệu quả. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể làm liệt hạch truyền tĩnh mạch bằng cách sử dụng dung dịch Aminazin kết hợp cùng Thiantan và Spartein. Trong trường hợp bệnh nhân lên cơn co giật nhiều thì có thể dùng Gardenal.
– Chống phù não: Trong trường hợp bệnh nhân bị co giật và phù não nặng, bác sĩ sẽ truyền dịch ưu trương hoặc sử dụng Corticoid. Phương pháp này sẽ giúp điều chỉnh sự thẩm thấu của mạch máu, cũng ngăn chặn tích lũy muối và nước ở não.
– Hồi sức hô hấp và tim mạch: Để giúp bệnh nhân hồi sức hô hấp và tim mạch, bác sĩ cho thở oxy, lau hút đờm dãi và sẵn sàng hô hấp viện trợ khi gặp tình trạng rối loạn nhịp thở nặng hoặc ngừng thở. Bác sĩ còn bổ sung nước điện giải kịp thời theo hematocrit (dung tích hồng cầu) và điện giải đồ; dùng thuốc vận mạch và thuốc trợ tim mạch khi cần thiết.
– Ngăn ngừa bội nhiễm: Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc kháng sinh phù hợp để ngăn ngừa bội nhiễm. Các kháng sinh có khả năng ngăn ngừa bội nhiễm như ampicillin hoặc Cephalosporin thế hệ 3. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần được chăm sóc và hỗ trợ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thay đổi tư thế nằm thường xuyên hoặc có thể dùng các loại đệm hơi bằng cao su để chống tình trạng lở loét ở các vị trí tì đè.
– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng: Để đảm bảo sức khỏe của người bệnh, chế độ dinh dưỡng phải đảm bảo đầy đủ đạm và vitamin. Việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp bệnh nhân nâng cao sức khỏe để chống chọi lại bệnh tật.
Cách phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nhưng vẫn có thể điều trị khỏi nhờ phát hiện bệnh kịp thời. Một số phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm viêm não Nhật Bản như xét nghiệm thường quy, xét nghiệm hình ảnh, xét nghiệm không đặc hiệu và xét nghiệm huyết thanh học.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau đây:
– Vệ sinh môi trường sạch sẽ, dọn dẹp nhà ở và làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nên xây dựng chuồng gia súc xa nhà và nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em.
– Dọn sạch các vũng nước đọng, rãnh cống, kênh mương quanh chuồng chăn nuôi và các ruộng lúa nước để loại bỏ các ổ bọ gậy. Đây là môi trường sống và đẻ trứng lý tưởng của vật trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản – muỗi Culex.
– Cho trẻ em ngủ trong màn để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình. Bên cạnh đó có thể sử dụng các loại dung dịch hoặc kem bôi chống muỗi, hương đuổi muỗi cho trẻ.
– Tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản cho tất cả trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn chưa có miễn dịch với bệnh. Việc chủ động tiêm vắc xin và tuân thủ theo lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không đủ hiệu lực bảo vệ và tiêm 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ trên 80%, tiêm 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ 90% – 95% trong khoảng 3 năm.
Hy vọng qua những thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc nắm được các phương pháp điều trị viêm não Nhật Bản và cách phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này cho gia đình.
Tổng hợp