Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lây lan và nhanh chóng bùng phát thành dịch bệnh. Vậy viêm não Nhật Bản lây qua đường nào? Hãy tìm hiểu những thông tin về căn bệnh này trong bài viết dưới đây nhé.
Tóm tắt nội dung
Viêm não Nhật Bản do virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B họ Togaviridae, giống Flavivirus gây ra. Đây là loại virus không chịu nhiệt, bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong 30 phút và 2 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Khi ở trạng thái đông lạnh, virus có thể tồn tại trong thời gian lên đến vài năm.
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở người lớn và trẻ em. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản, với biểu hiện viêm não hay viêm màng não tủy. Năm 1935, các nhà khoa học nước này đã phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh là một loại virus và đặt tên là viêm não Nhật Bản. Đến năm 1938, cũng do các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra vai trò truyền nhiễm của loài muỗi Culex tritaeniorhynchus, sau đó xác định được vật chủ và ổ chứa chính của virus gây bệnh viêm não Nhật Bản là loài lợn và chim.
Theo đó, nguồn lây bệnh này chủ yếu là các loài gia súc như lợn, ngựa, trâu, bò và các loài chim hoang dã. Trung gian truyền bệnh chủ yếu là 2 loài muỗi Culex vishnui và Culex Tritaeniorhynchus, có màu nâu, hoạt động mạnh vào lúc chập tối và thường sống ở khu vực ao hồ, ruộng lúa nước, ngoài cánh đồng. Loài muỗi này có thể bay xa trong vòng bán kính lên đến 3km, thường sinh sản và phát triển vào mùa hè nên bệnh viêm não Nhật Bản bùng phát mạnh từ tháng 5 – 7. Muỗi sau khi hút máu từ các động vật bị bệnh sẽ truyền sang người thông qua vết muỗi đốt.
Muỗi đốt là con đường duy nhất gây truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Hiện tại chưa ghi nhận trường hợp mắc viêm não Nhật Bản nào lây truyền từ người sang người. Bên cạnh đó, việc ăn uống chung, hay dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh này. Với lợn nhiễm virus viêm não Nhật Bản hoàn toàn không bị bệnh mà chỉ đóng vai trò là kho chứa và duy trì tải lượng virus trong thiên nhiên.
Bệnh viêm não Nhật Bản được đánh giá là một trong những bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Khi bị loại virus này xâm nhập và tấn công, người bệnh sẽ bị tổn thương nghiêm trọng đến hệ thần kinh trung ương. Tất cả đối tượng ở mọi độ tuổi đều có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản, nhưng chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Đặc biệt, nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ em từ 2 – 6 tuổi chiếm khoảng 75% tổng số ca mắc.
Với những trường hợp bệnh nặng, người bệnh có thể bị đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Với những trường hợp nhẹ hơn, bệnh nhân được điều trị tích cực có thể hồi phục. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp phải một số di chứng về thần kinh như tình trạng liệt cơ, bại não, chậm phát triển về trí tuệ, suy giảm trí nhớ nghiêm trọng, khả năng nghe kém hoặc có di chứng bị điếc, mất khả năng ngôn ngữ, rối loạn tâm thần hoặc bị hôn mê.
Nguy hiểm hơn, bệnh viêm não Nhật Bản không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn ủ bệnh. Bên cạnh đó, các biểu hiện của bệnh này cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm não khác và cách duy nhất để xác định bệnh là dựa vào kết quả xét nghiệm. Bệnh viêm não Nhật Bản chuyển biến xấu rất nhanh, người bệnh có thể sốt cao dẫn đến co giật và hôn mê chỉ sau vài ngày nhiễm virus.
Sau khoảng vài ngày nhiễm virus viêm não Nhật Bản, những triệu chứng của người bệnh mới dần trở nên rõ ràng hơn. Cụ thể, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như sốt cao đột ngột, nôn và buồn nôn, đau nhức đầu, có biểu hiện đau khớp, đi đứng loạng choạng, người đờ đẫn, hôn mê, nói nhảm, thậm chí là bị liệt…
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây nên một số biến chứng nguy hiểm như: loét nhiễm trùng, viêm phế viêm, viêm bể thận – bàng quang, rối loạn tâm thần, rối loạn chuyển hóa. Ngoài ra, bệnh nhân có thể đối mặt với những biến chứng xảy ra muộn sau vài năm như động kinh hoặc Parkinson.
Bệnh viêm não Nhật Bản lây qua đường nào?
Việc phát hiện viêm não Nhật Bản thông qua những biểu hiện lâm sàng rất khó. Phương pháp chính xác và nhanh chóng thường được áp dụng để chẩn đoán bệnh là thực hiện một số xét nghiệm cần thiết:
– Xét nghiệm phân lập virus viêm não Nhật Bản từ các bệnh phẩm máu, hay dịch não tủy. Mẫu máu của người bệnh nên được lấy trong khoảng 4 ngày đầu kể từ khi có biểu hiện sốt để đảm bảo độ chính xác của kết quả và phát hiện ra bệnh sớm hơn.
– Xét nghiệm dịch não tủy: Nếu nghi ngờ người bệnh có dấu hiệu mắc viêm não Nhật Bản, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chọc hút dịch não tủy. Trong viêm não Nhật Bản thường gây tăng áp lực dịch não tủy và dịch trong. Sau đó, mẫu bệnh phẩm này sẽ được đưa vào kính hiển vi để quan sát và phân tích. Khi xét nghiệm đếm tế bào phát hiện có nhiều tế bào bạch cầu đơn nhân và số lượng tế bào dịch có thể từ mức bình thường đến mức tăng nhẹ. Nếu thực hiện xét nghiệm sinh hóa dịch protein cũng có thể cho thấy kết quả tăng nhẹ.
– Kỹ thuật ELISA: Kỹ thuật này giúp phát hiện virus Nhật Bản gián tiếp thông qua kháng thể IgM và IgG của cơ thể tạo ra để chống lại VR. Bác sĩ cũng dựa vào mẫu dịch não tủy và mẫu máu để thực hiện xét nghiệm. Trong trường hợp virus xâm nhập vào cơ thể thì kháng thể IgM thường xuất hiện đầu tiên và có khả năng tồn tại trong khoảng 60 ngày. Trong khi đó, kháng thể miễn dịch IgG sẽ xuất hiện muộn hơn và có vai trò bảo vệ cho cơ thể người bệnh.
Ngoài các phương pháp trên, bác sĩ còn có thể yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm chức năng gan, thận, hay xét nghiệm virus Dengue, chụp cắt lớp vi tính, hoặc cũng có thể chụp cộng hưởng từ sọ não…
Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng, phối hợp điều trị hỗ trợ và nâng cao thể trạng cho người bệnh. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra và làm giảm tỷ lệ tử vong.
Bên cạnh đó, tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Tại Việt Nam hiện đang sử dụng 2 loại vắc xin viêm não Nhật Bản phổ biến vắc xin JEVAX và vắc xin IMOJEV.
Để chủ động phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
– Khi ngủ cần mắc màn và thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; đặc biệt lưu ý không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
– Cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi muỗi sinh sôi, hoặc có thể di dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
– Thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch cho trẻ em để đạt hiệu quả nhất. Nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90 – 95% trong khoảng 3 năm. Do đó, trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản và sau đó cho trẻ tiêm nhắc lại mỗi ba năm một lần cho đến 15 tuổi.
Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc bệnh viêm não Nhật Bản lây qua đường nào cũng như nắm được các thông tin hữu ích về căn bệnh này.
Tổng hợp
Tiêm rãnh cười là một kỹ thuật thẩm mỹ không xâm lấn giúp làm đầy…
VNPT iOffice Hà Giang là nền tảng quản lý văn bản và điều hành điện…
Hiện nay, nhiều phương pháp làm đẹp không cần phẫu thuật ra đời nhằm giúp…
No-Spa là loại thuốc chứa hoạt chất Drotaverine hydrochloride thuộc nhóm thuốc chống co thắt…
Tiêm tĩnh mạch (IV – Intravenous injection) là một kỹ thuật quan trọng trong y…
Tiêm vaccine như rubella, cúm, thủy đậu, viêm gan B trước khi mang thai là…