Bệnh tụ huyết trùng thường xuất hiện ở lợn, trâu bò, gia cầm gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Hãy tìm hiểu về triệu chứng và vacxin tụ huyết trùng trong bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Bệnh tụ huyết trùng ở gia súc, gia cầm
Bệnh tụ huyết trùng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Pasteurella gây ra với đặc điểm tụ huyết, xuất huyết ở những vùng da trên cơ thể. Vi khuẩn Pasteurella có thể đóng vai trò tiên phát hoặc kế phát đối với nhiều loại bệnh, nhiều loài động vật và cả người. Đây là bệnh tương đối nguy hiểm đối với động vật nuôi. Bệnh này có thể lây nhiễm chéo giữa các loài vật nuôi, lây từ lợn sang gà, trâu, bò và ngược lại.
Bệnh tụ huyết trùng thường phát sinh ở các vùng nóng ẩm và xảy ra rải rác quanh năm. Tuy nhiên, bệnh thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, vùng sau lũ lụt (từ tháng 4 – 10), lúc khí hậu nóng ẩm và những lúc giao mùa thời tiết thay đổi đột ngột, hoặc sức đề kháng gia súc bị suy nhược.
Vi khuẩn Pasteurella có thể tồn tại lâu ở chuồng trại và đất ẩm thiếu ánh sáng, trong giếng nước bẩn có chứa nhiều chất hữu cơ. Trong nền chuồng trại, vi khuẩn có thể sống được từ vài tháng đến 01 năm. Vi khuẩn có sẵn trong đất và vào mùa mưa rất dễ phát tán, dính vào rơm, cỏ hoặc trôi vào các nguồn nước. Khi gia súc gia cầm mắc bệnh do ăn phải thức ăn hoặc uống phải nước bị nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, bệnh tụ huyết trùng cũng có thể lây lan trực tiếp từ gia súc bệnh sang gia súc khoẻ thông qua tiếp xúc (nhốt cùng chuồng, chung nguồn nước uống, thức ăn….) hoặc có thể do một số vật môi giới truyền bệnh (chó, mèo, chuột, côn trùng….) hút máu gia súc bệnh, ăn thịt gia súc bệnh bị chết, bị giết mổ.
Tìm hiểu các loại vacxin tụ huyết trùng cho vật nuôi
Xem thêm: Vacxin OPV1 là gì? Những điều cần biết về vacxin bại liệt
Triệu chứng bệnh tụ huyết trùng
Đối với gia cầm
– Thể quá cấp tính:
- Xuất hiện đầu ổ dịch và gà mắc bệnh chết nhanh mà không kịp quan sát triệu chứng.
- Gà có biểu hiện bất thường nhảy xốc lên, lăn ra và giãy giụa.
- Gà ủ rũ cao độ sau 1 – 2h thì chết. Trường hợp gà 4 – 5 tháng tuổi có thể chết sau 1 ngày.
– Thể cấp tính:
- Thể bệnh thường gặp và triệu chứng chỉ xuất hiện vài giờ trước khi chết.
- Gà tiêu chảy, lúc đầu phân lỏng, màu trắng sữa, sau đó chuyển sang xanh lá có dịch nhầy.
- Mào gà tím tái do tụ máu, khó thở, chết do bị ngạt.
- Gà sốt cao từ 42 – 43 oC, xù lông, bỏ ăn, dịch nhầy chảy ra từ miệng có bọt và máu, tần số hô hấp tăng.
– Thể mạn tính:
- Do mắc bệnh thể cấp tính chuyển sang, hoặc do nhiễm vi khuẩn độc lực thấp.
- Nhiễm trùng cục bộ ở yếm, xoang mũi, sưng khớp cánh, chân, bàn chân và vùng ức, đôi khi có hiện tượng vẹo cổ.
- Do nhiễm trùng đường hô hấp nên gà khó thở.
- Gà có thể qua được nhưng ở tình trạng nhiễm bệnh trong thời gian dài.
Đối với trâu bò
– Thể quá cấp tính:
- Con vật sốt cao từ 41 – 42oC, trở nên hung dữ điên loạn, đập đầu vào tường và có thể chết trong 24 giờ.
- Một số con gia súc non có triệu chứng thần kinh như giãy giụa rồi ngã xuống đất và chết.
- Có khi con vật đang ăn cỏ bỗng chạy lồng lên, run rẩy, ngã xuống và lịm đi.
– Thể cấp tính:
- Thời gian nung bệnh từ 1 – 3 ngày, con vật sốt cao 40 – 42oC, không nhai lại mệt lả bứt rứt.
- Các niêm mạc mắt mũi đỏ sẫm rồi tái xám và nước mũi chảy liên tục.
- Các hạch lâm ba đều sưng, đặc biệt hạch lâm ba dưới hầu sưng rất to, làm con vật lè lưỡi ra, thở khó người ta còn gọi là trâu bò hai lưỡi. Hạch lâm ba trước vai, trước đùi sưng, thủy thủng làm con vật đi lại khó khăn.
- Con vật thở mạnh và khó khăn do tràn dịch màng phổi, viêm màng phổi, tụ huyết và viêm phổi cấp.
- Một số gia súc có triệu chứng ở đường ruột: lúc đầu phân táo bón, sau tiêu chảy, phân có lẫn máu và niêm mạc ruột. Bụng chướng hơi do viêm phúc mạc và có tương dịch trong xoang bụng.
- Giai đoạn cuối con vật nằm liệt, thở rất khó khăn, đái ra máu, có nhiều chấm xuất huyết đỏ sẫm ở các niêm mạc. Bệnh tiến triển 3 – 5 ngày, tỷ lệ chết từ 90 – 100%.
– Thể mãn tính:
- Con vật thể hiện viêm ruột mãn tính, lúc táo bón, lúc tiêu chảy, viêm khớp làm con vật đi lại khó khăn.
- Viêm phổi mãn tính và viêm phế quản.
- Bệnh tiến triển trong vài tuần, các triệu chứng nhẹ dần nhưng con vật thường gầy rạc và chết do kiệt sức.
Đối với lợn
– Thể quá cấp tính:
- Lợn mệt mỏi, kém ăn, nằm một chỗ, không đứng dậy được, sốt cao 41 – 42oC, uống nhiều nước, run rẩy.
- Thủy thũng ở cổ, họng, hầu, viêm hầu, mặt mũi sưng híp lại, có khi sưng giữa hai hàng vú.
- Con vật thở khó, thở khò khè, tim đập nhanh, các niêm mạc đỏ sẫm hoặc tím bầm, vùng bụng, tai, bẹn tím tái, viêm đường hô hấp trên.
– Thể cấp tính:
- Lợn ủ rũ, bỏ ăn, sốt cao 41oC, thở khó, niêm mạc mũi bị viêm, có tiếng khò khè ướt trong phế quản.
- Chảy nước mũi đặc, nhầy, có khi có mủ, máu, ho khan từng miếng, tim đập nhanh, chảy nước mắt, hầu sưng, thủy thũng lan rộng xuống cổ.
- Lúc đầu con vật tỉnh táo, sau đó tiêu chảy có máu hoặc cục máu do xuất huyết nội. Tỷ lệ chết có thể đến 80%, nếu con vật qua khỏi, bệnh chuyển sang thể mãn tính.
– Thể mãn tính:
- Con lợn gầy yếu, thở khó, thở nhanh, ho nhiều, tiêu chảy.
- Khớp xương bị viêm, sưng, nóng, đau, nhất là khớp đầu gối.
Tìm hiểu các loại vacxin tụ huyết trùng cho vật nuôi
Xem thêm: Tìm hiểu về vacxin rụt mỏ vịt và biện pháp phòng ngừa
Các loại vacxin tụ huyết trùng cho vật nuôi
Vacxin tụ huyết trùng cho gia cầm
Vacxin vô hoạt tụ huyết trùng gia cầm được sản xuất từ canh trùng lên men của vi khuẩn Pasteurella aviseptica chủng Pa1, Pa2. Mỗi liều vắc xin có chứa:
- Kháng nguyên: Ít nhất 10 tỷ tế bào vi khuẩn Pasteurella aviseptica chủng Pa1, Pa2.
- Chất bổ trợ: Keo phèn.
Sử dụng vacxin để phòng bệnh tụ huyết trùng cho gia cầm từ 4 tuần tuổi trở lên. Sau khi tiêm vacxin 14 – 21 ngày, gia cầm có khả năng đáp ứng miễn dịch tốt.
Vacxin tụ huyết trùng cho lợn
Vacxin vô hoạt tụ huyết trùng lợn được sản xuất từ canh trùng lên men của vi khuẩn Pasteurella suiseptica type B chủng FgHc. Mỗi liều vắc xin có chứa:
- Kháng nguyên: Ít nhất 10 tỷ tế bào vi khuẩn Pasteurella suiseptica type B chủng FgHc.
- Chất bổ trợ: Keo phèn.
Sử dụng vacxin tụ huyết trùng phòng bệnh cho lợn khỏe mạnh. Sau khi tiêm vacxin 14 – 21 ngày, lợn có khả năng đáp ứng miễn dịch ổn định
Vacxin tụ huyết trùng cho trâu bò
Vacxin có chứa tế bào Pasteurella multocida bất hoạt, chủng huyết thanh B:2, chủng P52 trong tá dược của nhôm hydroxit. Mỗi liều vacxin có chứa:
- Kháng nguyên: Ít nhất 20 tỷ tế bào vi khuẩn Pasteurella multocida (Pasteurella boviseptica, Pasteurella bubaliseptica) serotype B2 chủng T2, T4
- Chất bổ trợ: Keo phèn
Sử dụng vacxin để phòng bệnh tụ huyết trùng cho trâu, bò, bê, nghé khỏe mạnh. Vacxin an toàn và hiếm khi xảy ra tác dụng phụ khi tiêm chủng đại trà.